Chắc hẳn trong mỗi chúng ta không còn quá xa lạ đối với khái niệm đại diện theo pháp luật, đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Tuy nhiên về quyền, lợi ích và phạm vi quyền hạn của đại diện theo pháp luật vẫn luôn luôn là một câu hỏi lớn trong thực tiễn, nhiều trường hợp thực tế xảy ra trên quan hệ đại diện theo pháp luật dẫn đến sai phạm trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật thậm chí để lại hậu quả nặng nề. Vậy để tìm hiểu một cách chi tiết quy định của pháp luật về đại diện theo pháp luật, Luật Tiến Thắng mời bạn đọc tham khảo nội dung trong phạm vi bài viết sau.
Thứ nhất, về khái niệm đại diện theo pháp luật.
Pháp luật Việt Nam đã quy định rất cụ thể về đại diện theo pháp luật, căn cứ vào Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, theo đó, đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân cũng có thể là một tổ chức pháp nhân, những người này đóng vai trò, trách nhiệm nhân danh quyền, lợi ích của những cá nhân, pháp nhân khác và hoạt động vì lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân đó, thực hiện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân đại diện được gọi chung là người đại diện, cá nhân, pháp nhân giao quyền được gọi chung là người được đại diện.
– Vì người đại diện là cá nhân, pháp nhân nên điều kiện tiên quyết để được làm người đại diện là cần phải đáp ứng điều kiện có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật, và phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Đối với người đại diện theo pháp luật là pháp nhân thì pháp nhân này có thể là một công ty, một doanh nghiệp, tổ chức xã hội…
Thứ hai, hình thức phát sinh quan hệ đại diện theo pháp luật.
Dựa trên tình hình thực tế, khi phát sinh một quan hệ đại diện thì quan hệ này sẽ được xác lập thông qua hai hình thức:
+ Hình thức thứ nhất là hình thức đại diện do pháp luật quy định. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này như sau: Công ty Trách nhiệm hữu hạn A đăng kí kinh doanh hợp pháp, theo thông tin đăng ký kinh doanh ban đầu, B là người đại diện theo pháp luật của công ty mà công ty A đăng kí trong Giấy phép đăng kí kinh doanh tại Sở kế hoạch và đầu tư. Trường hợp này thuộc diện đại diện theo quy định của pháp luật.
+ Hình thức thứ hai là hình thức đại diện khi có sự ủy quyền từ cá nhân, pháp nhân này sang cá nhân, pháp nhân khác. Cũng với ví dụ trên, nếu như B-người đại diện theo pháp luật của công ty vì một lí do nào đó không thể trực tiếp thực hiện một công việc cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, thì B có thể ủy quyền sang cho C thay mặt mình thực hiện công việc đó trong một thời hạn nhất định thì C sẽ thuộc trường hợp đại diện theo ủy quyền.
Thứ ba, các trường hợp đại diện theo pháp luật
Đại diện theo pháp luật được chia thành hai loại sau:
– Đại diện theo pháp luật của cá nhân, vấn đề này được quy định cụ thể riêng từng trường hợp tại Điều 136 của Bộ luật Dân sự 2015:
+ Theo quy định của pháp luật, đối với trường hợp người được đại diện là con chưa thành niên thì cha, mẹ người đó là người đại diện theo pháp luật;
+ Đối với trường hợp phát sinh quan hệ giám hộ, người giám hộ là người đại diện theo pháp luật của người được giám hộ. Đối với người được giám hộ là người có khó khăn trong việc thức và làm chủ hành vi, thì người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật nếu do Tòa án chỉ định.
+ Ngoài hai trường hợp trên, người đại diện theo pháp luật có thể là người do Tòa án chỉ định nếu như không xác định được người đại diện theo pháp luật;
+ Ngoài ra, pháp luật cũng quy định người đại diện theo pháp luật đối với người mà bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự thì sẽ được Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật sao cho phù hợp nhất về mặt quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.
– Trường hợp đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được quy định cụ thể tại Điều 137 của Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm những trường hợp sau:
+ Người đại diện theo pháp luật được pháp nhân chỉ định theo điều lệ thành lập pháp nhân ban đầu;
+ Người có thẩm quyền đứng ra đại diện theo như quy định của pháp luật;
+ Người đại diện theo pháp luật được Tòa án chỉ định khi tham gia quá trình tố tụng tại Tòa án.
Thứ tư, quy định của pháp luật đối với những trường hợp không được phép làm người đại diện.
Điều này được thể hiện rõ trong quy định của pháp luật tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Nghị quyết 03/2012/NQ – HĐTP ban hành ngày 03 tháng 12 năm 2012 ( có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2013) tại Điều 22 cụ thể như sau:
Tại Điều 75 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 pháp luật quy định những trường hợp không được làm người đại diện bao gồm những người sau:
– Nếu người đại diện cũng chính là người đóng vai trò là đương sự đang tham gia cùng một vụ án đối với người được đại diện mà quyền mà khi này có thể xác định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập nhau;
– Nếu người đại diện theo pháp luật đó đang đại diện cho một đương sự khác đang tham gia quá trình tố tụng dân sự mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối nghịch với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện tại cùng một vụ án nhất định.
Quy định vừa nêu trên được áp dụng đối với đại diện theo ủy quyền trong lĩnh vực tố tụng dân sự.
Thêm vào đó, pháp luật cũng quy định đối với cán bộ, công chức công tác, làm việc trong ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát thì không được làm người đại diện trong lĩnh vực tố tụng dân sự, ngoại trừ trường hợp họ tham gia với tư cách đại diện cho chính mình khi tham gia tố tụng.
Tại Điều 22 Nghị quyết 03/2012/NQ – HĐTP pháp luật quy định: Theo như pháp luật đã quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về mặt nguyên tắc, người đang giữ vai trò là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự, thì người đó không được phép đồng thời giữ vai trò làm người đại diện theo pháp luật cho một đương sự khác trong cùng một vụ án, trong vụ án này, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự này đối nghịch với nhau.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 75 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 pháp luật cũng thể hiện quy định cán bộ, công chức công tác, làm việc, phục vụ trong ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát chỉ được làm người đại diện khi họ là người đại diện theo pháp luật cho chính cơ quan họ công tác, làm việc hoặc là người đại diện theo ủy quyền do cơ quan của họ ủy quyền; hoặc khi họ là người đại diện theo pháp luật của đương sự trong vụ án theo tố tụng dân sự.
Đối với các doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của các doanh nghiệp cũng được quy định rất cụ thể, vì họ nắm vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, họ đại diện cho doanh nghiệp của mình để thực hiện các quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm phát sinh từ trong các giao dịch của doanh nghiệp, thay mặt doanh nghiệp tham gia tố tụng tại Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp với vai trò nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài thương mại và các nghĩa vụ khác theo luật định.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
Địa chỉ: 110 Cầu Xéo, phường Tân Quý. Quận Tân Phú, Tp Hồ Chí Minh (xem trên bảng đồ)
Điện thoại liên hệ dịch vụ: 0898.3080.79
Zalo:0913.625.271
Email: vanphongluatsutienthang@gmail.com
Website: tienthanglaw.com